Để tránh những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong quá trình triển khai, các nhãn hàng phải hiểu được cách các Booking Agency vận hành khi triển khai dự án. Để tạo ra những thành công như nhãn hàng mong đợi, những công việc mà Booking Agency phải làm không hề đơn giản như mọi người vẫn tưởng. Để “làm mai, làm mối” cho nhãn hàng và Influencers, một Booking Agency phải đi qua ít nhất 6 bước cơ bản với đủ các nhiệm vụ từ tính toán đến giấy tờ, chứ không chỉ nhắn tin, gọi điện để chốt job như nhiều người vẫn thường nghĩ.
Booking Agency và Brand – “Ta đã ở bên nhau, qua những bước nhọc nhằn\”
Bước 1 – Gửi brief
Booking Agency trực tiếp nhận thông tin chiến dịch từ Brand team hoặc Creative Agency. Từ đề bài này, Booking Agency phải nắm được thông điệp, đối tượng khách hàng, mục tiêu, nhu cầu, ngân sách truyền thông của nhãn hàng để có thể đề xuất danh sách Influencer phù hợp.
Bước 2 – Lựa chọn Influencer phù hợp
Để giúp nhãn hàng “chọn (đúng) mặt gửi vàng”, Booking Agency sẽ sàng lọc và lựa chọn Influencer phù hợp dựa trên một số tiêu chí như sau:
- Target Audience – Đối tượng mục tiêu của nhãn hàng và tập fan hâm mộ/ người theo dõi Influencer có phù hợp về nhân khẩu học hay không?
- Personal Background – “Lý lịch” của Influencer (lĩnh vực, công việc, quan điểm, nội dung sáng tạo…) có trùng khớp với thông điệp và giá trị mà nhãn hàng mong muốn truyền tải hay không?
- Personal Personality – Hình ảnh cá nhân và tính cách, lối sống của Influencer có đồng nhất với tính cách thương hiệu (Brand Personality) hay không?
Bước 3 – Đề xuất báo giá
Với những thông tin mà nhãn hàng đưa ra, Booking Agency sẽ tiến hành lập danh sách những Influencer phù hợp kèm SOW (Scope of work – nội dung công việc) và giá booking. Đây chính là lúc Booking Agency phải chứng minh năng lực deal giá “ma thuật” để có được mức giá cạnh tranh nhất trong buổi pitching, mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho công ty mình. Booking Agency cũng sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ đề xuất những SOW phù hợp với từng Influencer, đồng thời đảm bảo sự hiệu quả – khác biệt – sáng tạo cho chiến dịch của nhãn hàng.
Bước 4 – Thống nhất kế hoạch triển khai
Từ bản báo giá ban đầu, nhãn hàng có thể sẽ đưa ra feedback, phản hồi, cũng như yêu cầu điều chỉnh về danh sách Influencer, SOW và giá booking. Booking Agency cũng làm việc song song với Influencer để có thể đưa ra những đề xuất điều chỉnh phù hợp cho cả đôi bên.
Bước 5 – Triển khai kế hoạch
Sau khi hai bên đã thống nhất với báo giá cuối cùng, Booking Agency sẽ triển khai chi tiết kế hoạch. Lúc này, Booking Agency sẽ tiếp tục là cầu nối để đảm mọi “output” (hình ảnh, content, thời gian đăng bài, nền tảng sử dụng, ngày giờ tham gia sự kiện, thời gian shooting…) đều đảm bảo về thời gian và chất lượng. Đồng thời, Booking Agency cũng chịu trách nhiệm về “outcome” (lượt tương tác, số lượng brand mention…) của những nội dung hợp tác với Influencer.
Bước 6 – Đo lường hiệu quả chiến dịch
Sau khi chiến dịch kết thúc, Booking Agency sẽ gửi bản nghiệm thu cho nhãn hàng. Từ bản nghiệm thu này, nhãn hàng sẽ có cái nhìn tổng quan về hiệu quả chiến dịch nhờ vào việc đo lường các yếu tố:
- Output: Số lượng nội dung công việc mà Booking Agency đã thỏa thuận với nhãn hàng và Influencer
- Outcome: Hiệu quả nội dung của Influencer và % KPI đạt được
Bỏ túi những “nguyên tắc vàng” khi làm việc với Influencer
Trước khi mơ về một “phi vụ hợp tác” trong mơ với Influencers, các Booking Agency cần lưu ý rằng Influencer là một người bình thường, tức là họ có tính cách, cá tính, chính kiến, cảm xúc riêng. Bởi vậy, các Booking Agency không thể áp dụng một công thức rập khuôn khi làm việc với tất cả Influencers. Ngược lại, Booking Agency cần đề cao sự linh hoạt, cởi mở và tinh thần hợp tác win-win để thể hiện thiện chí mong muốn được hợp tác với Influencers.
Nguyên tắc 1: Đặt “kim chỉ nam” là mục tiêu chiến dịch
Để chọn ra những Influencers phù hợp, tránh mất thời gian và lãng phí nguồn lực cho cả ba bên, Booking Agency cần hiểu đúng, hiểu đủ về những mục tiêu mà nhãn hàng muốn đạt được qua chiến dịch truyền thông này. Nếu không nhìn thấy điểm giao giữa chiến dịch của nhãn hàng và lĩnh vực chuyên môn của họ, nhiều Influencers sẽ thấy không thoải mái khi nhận lời mời hợp tác. Thậm chí, một số Influencers có thể mặc định luôn rằng Booking Agency không hề đầu tư vào việc quan sát, tìm hiểu về họ.
Chẳng hạn, nếu mục tiêu của nhãn hàng là tạo tiếng vang, tăng nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness), Booking Agency nên đề xuất những Influencers có sự nổi tiếng, có lượng fan đông đảo, có sự ảnh hưởng lớn như các celebrities, mega influencers. Còn với những chiến dịch nhằm thuyết phục người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ, thu hút họ tham gia vào chiến dịch, Booking Agency có thể tập trung hơn vào nhóm những Influencers có tầm ảnh hưởng nhỏ mà sâu để họ có thể tận dụng tối đa những trải nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình nhằm ảnh hưởng đến tập người theo dõi họ.
Nguyên tắc 2: Đề cao sự rõ ràng, minh bạch
Thông thường, Influencers sẽ không tiếp xúc trực tiếp với nhãn hàng. Đầu mối duy nhất của họ chính là Booking Agency. Do vậy, để tránh những sự hiểu lầm, thay đổi, tranh cãi không đáng có trong quá trình hợp tác, Booking Agency phải cực kỳ rõ ràng, minh bạch trong khâu giao tiếp cũng như các hạng mục hợp tác. Việc brief sai cho Influencers là hoàn toàn tối kỵ và có thể gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Booking Agency. Ngoài ra, nếu Booking Agency làm tốt nhiệm vụ của một cầu nối thay vì một “forwarder”, họ sẽ giúp cả nhãn hàng lẫn Influencers tiết kiệm công sức, thời gian và giảm thiểu tối đa những đầu việc, thủ tục rườm rà.
Đặc biệt, những vấn đề quyền lợi như chi phí, thanh toán, hợp đồng… lại càng phải được trao đổi, thống nhất một cách chính thức, minh bạch.
Nguyên tắc 3: Tôn trọng, tin tưởng Influencer
Nhãn hàng và Booking Agency là những người hiểu rõ nhất về chiến dịch, do vậy họ thường có xu hướng chi phối Influencers. Tuy nhiên, cả nhãn hàng lẫn Booking Agency cần hiểu rằng Influencers là người hiểu rõ nhất về fan/followers của mình. Influencers biết những người theo dõi mình muốn nghe gì, đọc gì, biết gì từ mình, những nội dung nào sẽ cổ vũ họ tương tác và tham gia. Trong quá trình hợp tác, Booking Agency nên lắng nghe, tôn trọng những quan điểm của Influencers và cố gắng tìm được điểm giao nhau giữa mong muốn của nhãn hàng cũng như đề xuất của Influencers.
Tạm kết
Influencer Marketing là một hình thức marketing đầy sức mạnh. Những người ảnh hưởng trong thời đại số có thể mang lại những chiến dịch thành công vượt ngoài mong đợi cho các nhãn hàng, đưa thương hiệu đến gần hơn với công chúng mục tiêu, và thu hút thêm nhiều người trở thành khách hàng trung thành của thương hiệu.
Tuy nhiên, để quá trình hợp tác diễn ra êm đẹp, cả ba bên – nhãn hàng, Booking Agency, Influencer – cần có sự thấu hiểu, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Nhãn hàng cần hiểu được để có thể triển khai một chiến dịch influencer marketing hiệu quả, Booking Agency cần những thông tin, công cụ gì, và họ cần đi qua những bước nào để biến những kế hoạch trên giấy thành hiện thực. Mặt khác, Booking Agency sẽ cần hiểu đúng, hiểu đủ những mong muốn, mục đích, tâm tư và nguyện vọng của nhãn hàng, cũng như quan điểm và ý kiến của Influencers để việc hợp tác đạt được hiệu quả cao nhất.
Nguồn: The Influencer